Định cư Mỹ EB5 và những khó khăn bạn phải biết

Không phải chỉ cần có từ 500.000 USD vốn đầu tư là chắc chắn có thể tham gia chương trình EB-5 nhận thẻ xanh Mỹ an toàn, cam kết hồ sơ thành công 100%,…như nhiều công ty và đại diện dự án ở Mỹ về Việt Nam quảng cáo gần đây. Thực tế, hình thức đầu tư định cư Mỹ này chứa đựng nhiều rủi ro mà mỗi nhà đầu tư cần phải biết trước khi quyết định tham gia.

Những khó khăn mà nhà đầu tư có thể gặp phải khi tham gia chương trình EB5

Thông thường, chương trình EB-5 được chia thành 2 giai đoạn chính:

– Giai đoạn 1: Nộp hồ sơ cho đơn I-526 để xin cấp thẻ xanh có điều kiện 2 năm.

– Giai đoạn 2: Nộp hồ sơ cho đơn I-829 xin xóa điều kiện và cấp thẻ xanh vĩnh viễn.

Giai đoạn nào cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định.

  1. a) Rủi ro có thể gặp giai đoạn 1

Rủi ro ở giai đoạn này có thể đến từ phía nhà đầu tư và phía dự án.

Phía nhà đầu tư, rủi ro thường đến bởi: Gặp khó khăn trong việc chứn minh vốn đầu tư 500.000 USD có nguồn gốc hợp pháp. Đây là một quá trình phức tạp. Nếu không tiến hành một cách thận trọng có thể dẫn đến tình trạng hồ sơ bị kéo dài hoặc bị từ chối. Trong trường hợp hồ sơ từ chối vì lý do này, nhà đầu tư có thể mất luôn phí quản lý khoảng 50.000 USD, tương đương 10% tổng số tiền đầu tư.

Phía dự án, rủi ro thường đến bởi: Sau khi hồ sơ được nộp, nếu Sở Di trú Mỹ thẩm tra và phát hiện dự án không đạt tiêu chuẩn của chương trình EB-5 như sử dụng vốn không hợp lý, không tạo việc làm khả thi, không tuân thủ luật pháp…thì hồ sơ đầu tư EB-5 của nhà đầu tư vẫn có thể bị từ chối.

  1. b) Rủi ro có thể gặp giai đoạn 2

Rủi ro ở giai đoạn này thường đến từ phía dự án.

Sau 21 tháng từ ngày nhà đầu tư được cấp thẻ xanh có điều kiện 2 năm, dự án phải đưa ra bằng chứng chứng minh đã tạo ra đủ 10 việc làm trên mỗi suất đầu tư 500.000 USD mà Sở Di trú Mỹ yêu cầu.

Vào thời điểm đó, nếu dự án chưa tạo ra được 10 việc làm cho mỗi nhà đầu tư thì khả năng bị từ chối đơn I-829 rất cao. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Di trú Mỹ USCIS thì 96% hồ sơ đã được duyệt đơn I-526 (vượt qua giai đoạn 1) thì thường cũng sẽ được xóa điều kiện.

Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro khi tham gia chương trình EB-5

Để giảm thiểu rủi ro khi tham gia chương trình EB-5, các luật sư di trú Mỹ của NVS đưa ra các lời khuyên như sau.

Thứ nhất, nhà đầu tư nên cảnh giác với những lời quảng cáo nhạy cảm về dự án EB-5 như 100% hồ sơ thành công, dự án sắp được xây dựng, dự án của chính phủ….Hiện nay, trên thị trường chưa có dự án do chính phủ Mỹ trực tiếp tham gia. Chính phủ chỉ đóng vai trò hỗ trợ.

Thứ hai, nhà đầu tư nên tiếp cận nhiều nguồn thông tin để tìm hiểu đầy đủ tính pháp lý của dự án, trung tâm vùng cũng như nhà phát triển dự án.

Với nhà phát triển dự án: Hãy xem họ đã phát triển bao nhiêu dự án rồi, mức độ thành công các dự án này là bao nhiêu, kinh nghiệm của họ trong lĩnh vực đầu tư là bao lâu….Các yếu tố cần cân nhắc:

+ Quá khứ, tiểu sử chủ dự án và các bên góp vốn

+ Chủ sở hữu dự án góp vào bao nhiêu tiền so với tổng số vốn EB-5?

+ Tiểu sử và lý lịch của ban giám đốc/ quản lý trung tâm vùng, kinh nghiệm quản lý vốn EB-5…

Với dự án EB-5 và trung tâm vùng: Thay vì chú ý đến quy mô của dự án, nhà đầu tư nên thu thập thông tin:

+ Giấy phép dự án cấp ngày nào, có còn hiệu lực không?

+ Dự án đã huy động bao nhiều tiền cho dự án?

+ Cấu trúc vốn dự án, dự án có bao nhiêu khoản vay, tổng số tiền vay bao nhiêu, tài sản thế chấp dự án…

+ Nếu là dự án bất động sản thì có HĐ đảm bảo hoàn tất xây dựng hay bảo hiểm hoàn tất xây dựng không?

+ Đầu tư bao nhiêu năm mới được hoàn vốn?

+ Có điều kiện gia hạn thêm thời gian hoàn trả vốn và chiến lược rút vốn không?

+ Đã có bao nhiêu hồ sơ I-526 (thẻ xanh có điều kiện) được cấp?

+ Đã có bao nhiêu I-829 (thẻ xanh vĩnh viễn) được cấp?

+ Mô hình tạo ra việc làm cho EB-5 từ dự án

+ Trung tâm vùng và dự án có quyền trì hoãn thời gian hoàn vốn hay không và hoãn trong trường hợp nào?

+ Trung tâm vùng đó có lịch sử như thế nào trong lĩnh vực EB-5 và quan hệ giữa trung tâm vùng và dự án để hiểu trung tâm vùng có trung lập hay không.

Việc tìm hiểu này nên nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia tư vấn tài chính, công ty tư vấn đầu tư quốc tế hoặc luật sư di trú giàu kinh nghiệm. Lưu ý, luật sư dự án EB-5 hoàn toàn khác với với luật sư đại diện hồ sơ vì họ cần có chuyên môn riêng biệt mới xử lý được.

Thứ ba, nhà đầu tư không nên chuyển tiền cho dự án EB-5 khi nguồn tiền của mình chưa được chứng minh đầy đủ, rõ ràng. Nếu chuyển tiền trước mà sau đó hồ sơ gặp trục trặc thì phía dự án EB-5 có thể không hoàn lại vốn hoặc sẽ trừ phí quản lý khoảng 30.000-50.000 USD. Hãy đảm bảo hồ sơ đầu tư định cư Mỹ của mình đầy đủ, hoàn chỉnh, không còn điểm yếu, không còn thiếu sót trước khi chuyển tiền vào dự án.