Lịch sử di trú Mỹ: Vì sao lại nói Mỹ là quốc gia của những người nhập cư?

Trong khoảng 100 năm đầu tiên của lịch sử Hoa Kỳ, Quốc hội không áp đặt bất kỳ giới hạn nào của liên bang đối với vấn đề di trú.

lich-su-nhap-cu-cua-nuoc-my

Trong 1 thế kỷ đó, người Ireland và người Đức ồ ạt di dân sang Mỹ. Nhiều người nhập cư Trung Quốc cũng theo chân họ. Trong những năm 1860, người Trung Quốc sang Hoa Kỳ lao động để xây hệ thống đường sắt, rồi sau đó họ ở lại định cư.

Công chúng Mỹ nhiều người không tán thành các nhóm di dân mới đến. Họ không thích đạo Công giáo, là tôn giáo của phần lớn người di dân Ireland và Đức. Họ không thích di dân Á Châu mà họ liệt vào thành phần tù nhân, gái mãi dâm, hoặc quy cho tội cạnh tranh, giành việc làm với họ.

Vì lý do đó, cuối năm 1800, Quốc hội Mỹ lần đầu tiên đề ra những bước để hạn chế số lượng người nhập cư. Các nhà lập pháp đặc biệt nhắm vào người Á đông, nhất là người Hoa. Đạo luật Page và “Đạo luật loại trừ người Hoa” cấm nhập cư hầu hết phụ nữ và công nhân Trung Quốc.

Giới hạn di dân có quốc tịch khác

Bước sang thế kỷ 20, chính phủ Hoa Kỳ đã tăng cường vai trò của liên bang trong lĩnh vực di trú. Chính phủ Mỹ dùng đảo Ellis ở New York làm cửa khẩu đón người nhập cư, và chứng kiến số lượng di dân tăng vọt, đặc biệt di dân từ Ý và Đông Âu. Trong số những người mới đến, nhiều người là thuộc thành phần ít học và nghèo túng.

Một lần nữa, dân chúng lại chống đối số lượng di dân quá đông đảo, cũng như thành phần di dân. Một nhóm mang tên Liên đoàn Hạn chế Di trú được lập ra. Nhóm này kiến nghị Quốc hội đòi di dân ít ra cũng phải chứng minh rằng họ biết đọc biết viết.

Cả Tổng thống Grover Cleveland lẫn Tổng thống Woodrow Wilson đã phản đối yêu sách đó. Nhưng vào năm 1917, Quốc hội Mỹ phê chuẩn biện pháp này bất chấp những sự phản đối của Tổng thống Wilson. Những người muốn định cư tại Hoa Kỳ giờ phải qua một bài kiểm tra khả năng đọc, viết.

Trong những năm 1920, các biện pháp hạn chế người nhập cư được tăng cường. Luật Di trú năm 1924 là bộ luật khắt khe nhất: luật giới hạn tổng số di dân và đặt ra những hạn ngạch dựa trên quốc tịch. Trong số các biện pháp hạn chế khác, đạo luật này giảm mạnh số di dân đến từ Đông Âu và châu Phi. Và hầu như hoàn toàn ngăn người nhập cư từ châu Á, ngoại trừ di dân đến từ Nhật Bản và Philippines.

Đồng thời, trang mạng Sử tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lưu ý rằng đạo luật này cùng lúc đã tăng số lượng visa dành cho những di dân đến từ Anh và Tây Âu.

Trang sử của Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận:

“Dựa trên tất cả các phần làm nên bộ luật, mục đích cơ bản nhất của Đạo Luật Di Trú 1924 là để bảo vệ tính chất thuần chủng của xã hội Hoa Kỳ”.

Thay đổi lớn trong chính sách di trú Mỹ 

Trong những thập niên 1940 và 1950, Hoa Kỳ đã đề ra một số biện pháp sửa đổi chính sách nhằm tăng số người di dân và nhập tịch Mỹ, dù là với một tỷ lệ khiêm tốn.

Thế rồi vào năm 1965 có một thay đổi lớn. Quốc hội thông qua Đạo luật về Di trú và Nhập tịch, một phần do áp lực của các phong trào dân quyền. Tổng thống Lyndon Johnson là người ký ban hành đạo luật này.

Đạo luật 1965 loại bỏ hệ thống hạn ngạch dựa trên quốc tịch. Thay vào đó, luật giành ưu tiên cho những người nhập cư đã có gia đình tại Hoa Kỳ. Đạo luật này còn nhằm bảo vệ người tị nạn đến từ một số khu vực đang xảy ra bạo lực và xung đột.

Mặc dù đạo luật duy trì một số hạn chế đang áp dụng, gốc gác của thành phần nhập cư đã thay đổi đáng kể. Thay vì đến từ Tây Âu, hầu hết người di dân đến Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 20 đến từ Mexico, Philippines, Hàn Quốc, Cộng hòa Dominica, Ấn Độ, Cuba và Việt Nam.

Sắc lệnh của Tổng thống Trump

Một giáo sư dạy môn Luật thuộc Trường Đại học Miami nói rằng Đạo luật năm 1965 đã chấm dứt chính sách “phân biệt đối xử công khai” trong chính sách di trú của Hoa Kỳ.

Giáo sư Kunal Parker còn là tác giả của một cuốn sách mang tựa đề “Luật Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ.”

Ông nói những người biểu tình phản đối sắc lệnh hành chính của ông Trump có thể tin là những gì đang xảy ra “đi ngược lại với truyền thống Mỹ đã có từ năm 1965.”

Nhưng giáo sư Parker cảnh báo không nên xem chính sách của Tổng thống Trump là bất hợp pháp. Giáo sư Parker chỉ ra rằng trong lịch sử, Toà án Tối cao đã từng trao cho Tổng thống và Quốc hội các quyền rộng lớn để ban hành luật di trú.

Giáo sư Parker lưu ý cựu Tổng thống Barack Obama cũng đã ký một sắc lệnh liên quan đến di trú. Đó là sắc lệnh nhằm bảo vệ gia đình của những người nhập cư không có giấy tờ, nhưng đã sinh con tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên giáo sư Parker cảnh giác:

“Một điều được coi là hợp pháp vẫn có thể gây nhiều vấn đề rắc rối.”

Cả giáo sư Parker và luật gia Linda Monk đều lưu ý rằng Hiến pháp Hoa Kỳ quy định cả Quốc hội lẫn Tổng thống đều phải tuân thủ một số thủ tục nhất định khi ban hành các quy định về chính sách di trú. Các thủ tục này có mục đích giúp bảo vệ chống nạn phân biệt đối xử.

Học giả Monk khẳng định:

“Hiến pháp quy định rằng những hành động và thủ tục đó phải được thực hiện một cách công bằng.”

Bài viết liên quan